Nội dung chính
Lợi ích khi chăm sóc da đúng cách
Theo các chuyên gia, việc bắt đầu chăm sóc da từ khi còn trẻ là điều quan trọng. Điều này giúp phòng ngừa sự xuất hiện của các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, sạm, nám… Một khi các vấn đề này đã xuất hiện và bạn bắt đầu chăm sóc da muộn thì có thể mất nhiều thời gian hơn để cải thiện hoặc thậm chí không thể loại bỏ chúng hoàn toàn. Do vậy, mỗi ngày nên thực hiện các bước chăm sóc da cơ bản vào buổi sáng và buổi tối bởi chúng mang lại những lợi ích khác nhau.
Chăm sóc da đầy đủ vào buổi sáng sẽ giúp:
- Loại bỏ các tạp chất tích tụ trên gương mặt sau một đêm, giúp làn da trở nên thoải mái và sáng màu hơn.
- Bảo vệ da khỏi tác động của tia cực tím, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử và khói bụi từ môi trường. Điều này không chỉ ngăn chặn quá trình lão hóa mà còn giúp hạn chế sự hình thành của nếp nhăn, đồi mồi, nám sạm và tàn nhang.
- Kiểm soát dầu nhờn trên da, giúp làn da trở nên không bị bóng nhờn và ngăn chặn sự xuất hiện của mụn.
Ngoài ra, việc dưỡng da ban đêm đúng cách sẽ có tác dụng:
- Kích thích quá trình tái tạo da, giúp da trở nên mềm mại và trẻ trung hơn.
- Giúp phục hồi các tế bào da bị tổn thương trong suốt cả ngày dài.
- Tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất từ các sản phẩm chăm sóc da.
Các bước chăm sóc da cơ bản hàng ngày
Bước 1: Tẩy trang da
Tẩy trang là một bước rất quan trọng trong chu trình dưỡng da mỗi ngày nhưng lại có khá nhiều người bỏ qua chúng bởi cho rằng chỉ cần tẩy trang khi có lớp trang điểm trên mặt. Thực tế, ngay cả khi bạn không trang điểm thì bước tẩy trang vẫn cần được thực hiện. Khi được tẩy trang đúng cách, làn da không chỉ được làm sạch sâu hơn 80% mà còn được phục hồi lại trạng thái cân bằng tự nhiên ban đầu. Ngoài tác dụng làm sạch bề mặt da thì các sản phẩm tẩy trang còn lấy đi tạp chất tích tụ sâu trong từng lỗ chân lông. Điều này giúp da trở nên dịu nhẹ hơn, thoải mái hơn và sẵn sàng nhận các dưỡng chất từ các bước chăm sóc tiếp theo.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Vệ sinh tay thật sạch bằng xà phòng khử khuẩn.
- Bước 2: Lấy một lượng vừa đủ sản phẩm vào bông tẩy trang.
- Bước 3: Tiến hành lau nhẹ nhàng lên da theo hướng từ dưới lên trên, chú ý vào các vùng dễ đọng bụi bẩn như cánh mũi, chân tóc.
Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm tẩy trang với kết cấu khác nhau phù hợp cho từng loại da mà bạn có thể tham khảo và lựa chọn:
- Nước tẩy trang (Micellar Water): Đây là loại tẩy trang phổ biến , chúng có khả năng tẩy dịu nhẹ, ít gây kích ứng cho da và có thể phù hợp cho mọi loại da, bao gồm cả da nhạy cảm. Tuy nhiên, nhược điểm của nước tẩy trang là khó tẩy sạch các sản phẩm có độ bám cao như mascara, son lì, bút kẻ mắt lâu trôi…
- Dầu tẩy trang (Cleansing Oil): So với tẩy trang dạng nước thì dạng dầu sẽ giúp làm sạch sâu hơn, khả năng loại bỏ bụi bẩn và dầu thừa tốt hơn. Đa phần các sản phẩm dầu tẩy trang thường được chiết xuất từ thiên nhiên như dầu hoa cúc, hạnh nhân, ô liu… Vì thế chúng ít gây khô da nhưng quá trình sử dụng cần lưu ý phải nhũ hóa thật kỹ để tránh gây mụn ẩn và mụn đầu đen.
- Sáp tẩy trang (Cleansing Balm): Ưu điểm của sáp tẩy trang là làm sạch hiệu quả, đặc biệt phù hợp với người thường xuyên trang điểm. Bên cạnh đó, sáp tẩy trang còn được sử dụng để kết hợp với các bước massage da mặt. Tương tự như dầu tẩy trang, khi dùng sản phẩm dạng sáp cũng cần nhũ hóa để tránh gây bít tắc lỗ chân lông, đồng thời tránh để sản phẩm dính vào mắt.
- Lotion tẩy trang (Cleansing Milk): Tẩy trang dạng lotion được cho là phù hợp với mọi loại da, đặc biệt là da nhạy cảm hoặc da khô nhưng chúng cũng không có khả năng loại bỏ lớp trang điểm dày đậm.
- Khăn giấy tẩy trang (Cleansing Wipes): Sản phẩm này được khá nhiều người lựa chọn bởi độ tiện lợi cao, dễ dàng mang theo mọi nơi. Tuy vậy, chúng thường có chứa các thành phần tạo mùi (hương liệu) nên không phù hợp cho da nhạy cảm.
Bước 2: Sữa rửa mặt
Để có một làn da đẹp, sạch và khỏe mạnh, việc sử dụng sữa rửa mặt là một trong những bước không thể thiếu. Quá trình làm sạch bụi bẩn, tế bào chết, dầu thừa, cặn mỹ phẩm sẽ giúp da trở nên sạch sẽ đến từng ỗ chân lông và giúp hấp thụ dưỡng chất từ các sản phẩm dưỡng da tiếp theo một cách hiệu quả hơn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Sau khi hoàn tất bước tẩy trang, lấy một lượng sữa rửa mặt vừa đủ (tương đương với một đồng xu) ra lòng bàn tay.
- Bước 2: Đánh bọt hoặc xoa đều sữa rửa mặt cho đến khi hỗn hợp tan đều vào nhau.
- Bước 3: Thoa nhẹ nhàng và massage hỗn hợp lên da mặt, tập trung vào các vùng cần làm sạch như vùng chữ T và cánh mũi.
- Bước 4: Rửa sạch lại da mặt với nước mát để se khít lỗ chân lông.
Đối với sữa rửa mặt, bạn cũng có thể lựa chọn giữa hàng ngàn sản phẩm khác nhau hiện có trên thị trường. Hãy tham khảo cách chọn sữa rửa mặt cho từng loại da sau đây:
- Sữa rửa mặt dạng gel (Cleansing Gel/ Jelly Foam): Đặc biệt dịu nhẹ và phù hợp với da nhạy cảm, da khô hoặc đang trong quá trình điều trị.
- Sữa rửa mặt dạng kem (Cleansing Cream): Phù hợp với da khô và nhạy cảm, không làm da trở nên khô căng quá mức. Tuy nhiên, nếu bạn đang có làn da bị mụn thì không nên dùng rửa mặt dạng này.
- Sữa rửa mặt dạng dầu (Cleansing Oil): Có khả năng làm sạch sâu và hiệu quả nhưng nhược điểm là nếu không làm sạch kỹ với nước thì có thể làm cho da trở nên nhờn rít sau khi rửa.
- Sữa rửa mặt dạng bọt (Foaming, Cleansing Milk): Tạo cảm giác sạch sẽ sau mỗi lần rửa mặt nhưng nhiều sản phẩm tạo bọt có tính kiềm cao, có thể gây cảm giác căng rát sau khi sử dụng.
Bước 3: Tẩy tế bào chết
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chu kỳ tái tạo của da sẽ diễn ra sau khoảng 28 – 30 ngày. Trong thời gian này, lượng tế bào chết tích tụ trên bề mặt da có thể khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn, gây ra vấn đề mụn và tạo điều kiện cho các vấn đề bệnh lý như viêm da, nám da hay nổi mẩn đỏ. Việc sử dụng tẩy tế bào chết định kỳ 1 – 2 lần/ tuần không chỉ giúp làm sạch da mà còn thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da mới, giúp da căng bóng, khỏe mạnh.
Lưu ý, khi tẩy da chết nên thao tác nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh sẽ dễ gây tổn thương cho da.
Có 2 phương pháp tẩy tế bào chết như sau:
- Tẩy tế bào chết vật lý: Thực hiện bằng cách sử dụng ma sát từ các hạt mịn trên da, thường thông qua chuyển động tròn, để loại bỏ các tế bào da già cỗi trên tầng thượng bì. Quá trình này giúp da trở nên sạch sẽ và mịn màng, phù hợp đặc biệt với các làn da dầu và khỏe mạnh.
- Tẩy tế bào chết hóa học: Sử dụng các hoạt chất acid như AHA (Acid alpha hydroxy), BHA (Acid beta hydroxy), PHA (Acid polyhydroxy) với các nồng độ khác nhau để loại bỏ tế bào chết trên da. Các hoạt chất này giúp da trở nên mịn màng, sáng khỏe và hỗ trợ thu nhỏ kích thước lỗ chân lông. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp hiệu quả trong việc trị mụn đầu đen ở mũi và mụn bọc.
Bước 4: Toner cân bằng da
Toner hoặc nước hoa hồng được biết đến với tác dụng cân bằng da và lấy đi các tạp chất còn sót lại sau các bước làm sạch. Hiện nay, toner xuất hiện trong nhiều biến thể khác nhau, chứa các thành phần có các công dụng đa dạng như cung cấp độ ẩm, làm trắng da, se lỗ chân lông, và tẩy tế bào chết một cách nhẹ nhàng.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Sau khi da đã được làm sạch, cho 3 – 5 giọt toner vào bông tẩy trang.
- Bước 2: Thoa nhẹ nhàng lên toàn bộ khuôn mặt và để chúng khô tự nhiên trong vài phút.
Bước 5: Serum đặc trị
Serum là một loại tinh chất cô đặc với hai dạng chính là gốc nước và gốc dầu, được coi là giải pháp chuyên biệt cho từng vấn đề riêng biệt của làn da như sắc tố không đều, nám, tàn nhang, đồi mồi, mụn, lão hóa da… Serum chứa các hạt vi chất siêu nhỏ, có khả năng thẩm thấu sâu đến cả tầng trung bì của da. Nó hỗ trợ nuôi dưỡng tế bào, tái tạo và điều trị toàn diện các vấn đề về da gấp 10 lần so với kem dưỡng.
Cách sử dụng: Hãy cho 2 – 3 giọt serum vào lòng bàn tay. Hãy nhẹ nhàng làm ấm serum bằng cách xoa nhẹ và sau đó áp lên toàn bộ khuôn mặt. Kết hợp việc xoa và vỗ nhẹ để dưỡng chất serum thẩm thấu sâu vào da một cách triệt để .
Tùy vào từng mục đích dưỡng da, bạn có thể lựa chọn serum với các thành phần phù hợp sau đây:
- Serum điều trị mụn: AHA, BHA, Azelaic Acid, Retinol, tinh dầu tràm trà…
- Serum chống lão hóa da: Vitamin E, Squalene, Peptides, AHA, Retinol, Niacinamide, Ceramides…
- Serum điều trị thâm: Azelaic Acid, Hydroquinone, Retinol, Niacinamide, Vitamin C…
- Serum trắng da: Alpha Arbutin, Kojic Acid, Mulberry, Glutathione, Licorice Root, Niacinamide (Vitamin B3)…
Bước 6: Kem dưỡng ẩm
Đây được xem là bước “khóa” các dưỡng chất từ các sản phẩm chăm sóc da trước đó, giúp da luôn giữ được độ ẩm cần thiết, luôn mềm mịn và căng tràn sức sống. Việc dưỡng ẩm hàng ngày là quan trọng đối với mọi loại da, kể cả da dầu. Bởi trên thực tế, da dầu thường là dấu hiệu của việc thiếu nước, không đủ độ ẩm.
Bước 7: Kem chống nắng
Kem chống nắng là bước không thể thiếu trong các bước chăm sóc da cơ bản vào ban ngày. Việc sử dụng kem chống nắng hàng ngày được các chuyên gia da liễu trên toàn cầu công nhận là biện pháp chống lão hóa tốt và tiết kiệm . Kem chống nắng hoạt động bằng cách hấp thụ hoặc phản xạ tia UV từ ánh nắng mặt trời, giúp bảo vệ da khỏi tác động có hại của tia UV. Điều này giúp giảm thiểu nguy cơ bị cháy nắng, tàn nhang, sạm da, lão hóa da và các vấn đề khác liên quan đến tác động của ánh nắng mặt trời.
Lưu ý, nên thoa kem chống nắng ít 20 phút trước khi ra ngoài và nên thoa nhắc lại khoảng 2 – 3 tiếng/ lần.
Hi vọng với các bước chăm sóc da cơ bản nêu trên, bạn sẽ biết dưỡng da đúng cách để sở hữu làn da sáng khỏe, tươi tắn hơn mỗi ngày. Theo dõi thêm để cập nhật nhiều phương pháp làm đẹp an toàn và hiệu quả khác.
Miễn trừ trách nhiệm
Các bài viết trên trang vienthammykangjin.vn chỉ có tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn cụ thể.