Nội dung chính
Nguyên nhân chính gây viêm lỗ chân lông
Để tìm ra được cách điều trị hiệu quả thì trước hết bạn cần biết rằng đâu là nguyên nhân khiến cho lỗ chân lông của bạn bị viêm. Về cơ bản, viêm lỗ chân lông là do sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh khiến cho phần này bị tổn thương hoặc sự tắc nghẽn của lỗ chân lông bởi bụi bẩn, bã nhờn làm cho lông mọc ngược vào trong gây viêm sưng. Theo đó, có một vài lý do chính làm cho virus, vi khuẩn có cơ hội tấn công vào da như sau:
- Rối loạn tuyến dầu: Khi tuyến dầu hoạt động mạnh mẽ quá mức làm cho lượng dầu tiết ra nhiều khiến cho bề mặt da vừa nhờn dính vừa làm cho nang lông bị bịt kín do dầu thừa tích tụ. Chính điều này làm cho sợi lông khó phát triển và mọc vươn ra bên ngoài như bình thường. Không chỉ vậy, tuyến dầu bị rối loạn, hoạt động bất thường cũng làm ảnh hưởng tới tốc độ tái tạo da, tế bào được thay mới nhanh nhưng tế bào cũ lại không được bài tiết lên phía trên bề mặt da để loại bỏ đi thông qua việc tẩy da chết. Do đó, chúng tích lại và làm kín lỗ chân lông lại. Thêm vào đó, da bị mất nước do mất cân bằng về độ axit khi rối loạn cũng là một trong những nguyên nhân làm viêm nang lông.
- Do tụ cầu trùng, nấm, vi khuẩn: Đây là nguyên nhân rất nhiều người gặp phải. Bên cạnh đó, các loại vi khuẩn như Proteus, Pseudomonas… nấm men, nhiễm virus herpes… cũng làm lỗ chân lông bị viêm.
- Do môi trường sống: Các yếu tố liên quan đến thời tiết như độ ẩm cao, khí hậu nóng bức, không khí ô nhiễm… làm cho da bị bí bách, gây viêm nếu không được làm sạch sâu mỗi ngày.
- Do ảnh hưởng từ corticoid: Lạm dụng các loại kem bôi chứa corticoid hoặc dùng kháng sinh liên tục trong thời gian dài cũng sẽ tạo điều kiện để các vi khuẩn kỵ khí phát triển gây viêm chân lông.
- Do thói quen sinh hoạt: Các hành động như tẩy lông, nhổ lông, cạo râu không đúng cách hoặc mặc đồ bó sát, chất liệu vải không thoáng khí cũng là nguyên do gây viêm nang lông ở nhiều người.
- Do một số bệnh lý: Khi cơ thể suy giảm khả năng tiêu hóa, bài tiết như rối loạn chuyển hóa, tiểu đường… sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng đào thải độc tố tự nhiên của da làm tăng nguy cơ viêm chân lông.
- Do di truyền: Theo thống kê từ viện da liễu, 60% người bị viêm lỗ chân lông và khó trị dứt điểm là do yếu tố di truyền từ người thân.
Biểu hiện thường gặp của viêm chân lông
Với mỗi vùng da khác nhau trên cơ thể thì triệu chứng của viêm lỗ chân lông cũng khác nhau. Tuy vậy, đây là những dấu hiệu chung để nhận biết tình trạng này:
- Ngứa và nổi mẩn đỏ: Đây là dấu hiệu đầu tiên khi làn da bắt đầu bị viêm với các nốt mẩn đỏ nhỏ li ti đi kèm với cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
- Nổi mụn đỏ: Tiếp theo của giai đoạn trên là khi các nốt mụn đỏ có xu hướng to lên, lộ rõ và lan rộng sang nhiều vùng da xung quanh đó. Diễn biến bệnh sẽ nặng hơn khi các vết mụn này có mủ bên trong.
- Lông mọc ngược: Đó là hiện tượng sợi lông ở các vùng này bị xoắn vào trong, không mọc hẳn ra ngoài như thông thường. Đa phần, những sợi lông này sẽ rất mỏng và nhỏ nhưng sẽ làm cho lớp da bên ngoài bị viêm. Cách để nhận ra lông mọc ngược đó là ở phần chân lông sẽ nổi mụn nước nhỏ, sau vài ngày sẽ có mủ, sưng lên và đau nhức.
- Hình thành mụn mủ: Nếu bạn để làn da xuất hiện triệu chứng này mà chưa có phương pháp điều trị kịp thời thì sẽ gây ra các tổn thương lớn trên da. Theo đó, các vết mẩn ban đầu sẽ chuyển thành mụn nhưng không có nhân mà sẽ có dịch nước bên trong, có mủ. Khi các nốt này bị vỡ sẽ càng tăng nguy cơ lây lan tình trạng viêm.
Cách chăm sóc da khi bị viêm nang lông tại nhà
6 điều cần làm khi bị viêm nang lông:
1. Làm sạch da
Như đã nêu ở trên, nguyên nhân gây viêm nang lông phổ biến là do tích tụ vi khuẩn và bụi bẩn. Chính vì thế, cách tốt để kiểm soát và cải thiện tình trạng này đó là luôn giữ cho da sạch sẽ và thông thoáng. Tốt bạn nên lựa chọn các sản phẩm sữa rửa mặt dịu nhẹ dành cho người da nhạy cảm hoặc đang viêm da để vừa có khả năng diệt khuẩn lại vừa không gây khô rát. Một lưu ý nhỏ đó là nên dùng nước ấm vừa đủ để rửa mặt và thao tác lau khô da là dùng khăn mềm vỗ nhẹ.
2. Chườm ấm
Với những trường hợp viêm chân lông ở giai đoạn nặng hơn, xuất hiện các vết sưng tấy và đau thì việc chườm ấm sẽ làm dịu da, mang lại cảm giác dễ chịu hơn.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Chuẩn bị 1 chiếc khăn mềm và đun sôi 1 nồi nước cùng chút muối hạt
- Bước 2: Cho khăn vào nước sôi ngâm trong đó 3 – 5 phút để khử trùng
- Bước 3: Tiếp theo, lấy khăn ra, vắt ráo nước và đắp lên vùng da đang bị viêm lỗ chân lông. Bạn có thể áp dụng cách này 2 – 3 lần/ ngày nhưng lưu ý mỗi lần đều phải khử trùng khăn
3. Chăm sóc bằng nguyên liệu thiên nhiên
Trong tự nhiên, nha đam hay còn gọi là lô hội là loại cây có rất nhiều công dụng tốt và được sử dụng rộng rãi để làm đẹp. Một trong những tác dụng nổi bật của nha đam là làm dịu da, cấp ẩm để mang lại cảm giác nhẹ nhàng và thúc đẩy quá trình chữa lành của da. Bên cạnh nha đam tươi, các sản phẩm gel nha đam có sẵn trên thị trường hiện nay cũng là sự lựa chọn tiện lợi và hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Làm sạch vùng da bị viêm nang lông và thấm bớt nước
- Bước 2: Thoa trực tiếp gel lô hội lên vùng da đó và để chúng khô tự nhiên trong khoảng 5 – 7 phút và không cần rửa lại với nước
Ngoài ra, giấm táo hay nghệ cũng là những nguyên liệu nổi tiếng với đặc tính kháng khuẩn và chống viêm hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.
4. Hỗ trợ điều trị bằng tinh dầu tự nhiên
Các vùng da bị tổn thương do chân lông bị viêm có thể được phục hồi nhanh hơn nhờ các thành phần dưỡng chất có trong tinh dầu cây trà, dầu hạt bưởi hay dầu phong lữ. Cũng tương tự như sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên khác, bạn có thể thoa tinh dầu lên vùng da bị viêm sau khi đã được làm sạch và giữ nguyên. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì bạn nên thoa lên vùng da nhỏ trước để theo dõi các phản ứng phụ. Đặc biệt, tinh dầu tràm trà được đánh giá cao trong việc hỗ trợ điều trị cho những người thường xuyên bị viêm nang lông tái phát.
5. Bảo vệ vùng da bị viêm
Để không làm tăng mức độ và diện tích bị viêm da thì việc bảo vệ da là điều vô cùng quan trọng. Ngoài việc dùng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ thì bạn nên mặc đồ rộng rãi, thấm hút mồ hôi để tránh cho da ma sát liên tục với quần áo. Đồng thời, hạn chế sử dụng bồn tắm công cộng hoặc bể bơi trong thời gian đang điều trị viêm chân lông để ngăn ngừa lây nhiễm nặng hơn.
6. Không nên tẩy lông khi da đang bị viêm
Đây là lời khuyên rất hữu ích từ các chuyên gia về da liễu bởi lẽ nếu bạn cạo râu, tẩy lông không đúng cách trong giai đoạn bị viêm lỗ chân lông thì sẽ có thể gây ra nhiễm trùng hoặc gây sẹo rất khó xóa mờ. Hơn nữa, hành động này càng làm cho tình trạng lông mọc ngược diễn ra mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều vùng sưng và mụn nước trên da. Do đó, hãy ghi nhớ điều này để làn da nhanh chóng khỏe trở lại.
Làm gì để phòng ngừa lỗ chân lông bị viêm?
Mặc dù viêm lỗ chân lông hoàn toàn có thể chữa khỏi nhanh chóng nếu chăm sóc và sử dụng sản phẩm đặc trị phù hợp nhưng việc phòng ngừa chúng xuất hiện hoặc tái phát là điều không thể bỏ qua. Do đó, trong cuộc sống hàng ngày bạn cần lưu ý đến một vài điều sau đây:
- Giữ cho làn da luôn sạch sẽ, thông thoáng, tránh tình trạng tích dầu thừa và bã nhờn quá nhiều làm tắc nghẽn lỗ chân lông, cản trở sự phát triển của sợi lông.
- Lựa chọn trang phụ có chất liệu thoải mái, hạn chế mặc đồ quá chật, là vào mùa hè hoặc khi vận động thể dục thể thao.
- Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với các loại nước tẩy rửa, các loại hóa chất.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường lượng rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất cho da khỏe từ bên trong
- Uống đủ nước mỗi ngày để da căng mịn, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và đào thải độc tố.
Như vậy, viêm lỗ chân lông là tình trạng không cần quá lo ngại bởi khả năng điều trị thành công tương đối cao. Tuy nhiên, khi thấy nang lông có dấu hiệu bị viêm, bạn nên tìm tới các bác sĩ chuyên khoa sớm để được xử lý kịp thời và đúng cách, tránh để viêm nặng gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
Miễn trừ trách nhiệm
Các bài viết trên trang vienthammykangjin.vn chỉ có tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn cụ thể.