Nội dung chính
Nguyên nhân gây mụn đầu đen
Có thể thấy mụn đầu đen rất dễ để nhận biết, chúng nằm sâu dưới lỗ chân lông, có nhân mụn là bã nhờn bị oxy hóa, kết hợp với bụi bẩn, vi khuẩn tạo thành “vết đen” cứng đầu. Các bác sĩ da liễu đã đưa ra rất nhiều các nguyên nhân khiến cho mụn đầu đen xuất hiện trên da bao gồm cả những yếu tố từ môi trường bên ngoài cho đến sự thay đổi của hormone trong cơ thể:
- Tắc nghẽn lỗ chân lông
Bã nhờn, bụi bẩn, tế bào chết tích tụ khiến cho lỗ chân lông bị bít tắc. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên mụn đầu đen. Do đó, nếu bạn thường xuyên có thói quen không tẩy trang, không tẩy da chết đúng cách hoặc vệ sinh da mặt chưa sạch sâu thì mụn đầu đen xuất hiện là điều dễ hiểu.
- Chăm sóc da chưa đúng cách
Ngoài việc vệ sinh da không kỹ được nhắc ở trên thì sử dụng sản phẩm dưỡng da không phù hợp cũng là nguyên nhân làm cho làn da của bạn có các nốt mụn đầu đen. Bên cạnh đó, hãy lưu ý lựa chọn các loại kem dưỡng, mỹ phẩm có thành phần lành tính, phù hợp từng loại da để không gây kích ứng.
- Tác động từ môi trường
Khi da tiếp xúc với khói bụi, ô nhiễm, các chất độc hại sẽ bám vào da, nếu không được làm sạch hàng ngày thì chúng sẽ làm bít tắc lỗ chân lông, từ đó da dễ nổi mụn đầu đen. Không chỉ vậy, tia UV trong ánh nắng mặt trời cũng là một trong những tác nhân, chúng có thể kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn, dẫn đến sản xuất nhiều dầu hơn. Dầu thừa kết hợp với tế bào chết và bụi bẩn sẽ tạo thành mụn đầu đen.
- Sự thay đổi bên trong cơ thể
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những giai đoạn như dậy thì, chu kì kinh nguyệt, quá trình mang thai hoặc mãn kinh thường làm cho nội tiết tố của cơ thể thay đổi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hoạt động của tuyến bã nhờn, kích thích làn da tiết nhiều dầu hơn gây dư thừa và hình thành mụn đầu đen.
- Tác dụng phụ từ các loại thuốc
Một số loại thuốc như corticosteroid, thuốc ngừa thai, lithium hoặc androgen có thể gây ra tác dụng phụ là mụn đầu đen.
Cách trị mụn đầu đen đơn giản và hiệu quả
1. Chú trọng làm sạch da
Làm sạch da là bước đầu tiên và quan trọng trong việc “đánh bay” mụn đầu đen. Hãy thực hiện theo những gợi ý dưới đây, bạn sẽ thấy làn da được cải thiện nhanh chóng:
Tẩy trang kỹ lưỡng: Sử dụng nước tẩy trang phù hợp với loại da, massage nhẹ nhàng để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, bã nhờn và lớp trang điểm.
Rửa mặt 2 lần/ ngày: Dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ, có độ pH ở mức lý tưởng khoảng 5.0 – 5.5. Theo đó, vào buổi sáng, rửa mặt sau khi thức dậy để loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn tiết ra trong đêm. Sau đó vào buổi tối, rửa mặt sau khi tẩy trang để loại bỏ hoàn toàn bụi bẩn, bã nhờn và lớp trang điểm. Lưu ý hãy tập trung vào những vùng da dễ bị mụn như trán, cánh mũi, hai bên má… Không nên rửa mặt liên tục nhiều lần trong cùng ngày vì dễ làm cho da bị mất đi lớp dầu tự nhiên.
Tẩy tế bào chết 1 – 2 lần/ tuần: Loại bỏ lớp da chết trên da giúp da thông thoáng, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông.
Chú ý đến dụng cụ rửa mặt: Sử dụng khăn mặt mềm mại, sạch sẽ và giặt hoặc thay khăn mặt thường xuyên.
2. Dùng bột yến mạch
Bột yến mạch không chỉ là một thực phẩm quen thuộc mà còn được sử dụng rất phổ biến trong các công thức làm đẹp tại nhà. Nhờ kết cấu dạng hạt mịn, bột yến mạch có thể dùng để loại bỏ lớp da chết cùng bã nhờn một cách nhẹ nhàng mà không gây kích ứng. Thêm vào đó, yến mạch còn có tác dụng điều tiết lượng bã nhờn tiết ra trên da, giúp da khô thoáng, hạn chế tình trạng da dầu, từ đó ngăn ngừa hình thành mụn đầu đen.
Chuẩn bị nguyên liệu bao gồm:
- 2 muỗng bột yến mạch
- 1/2 hộp sữa tươi không đường (có thể dùng nước ấm thay thế)
Cách thực hiện:
- Bước 1: Trộn đều hai nguyên liệu trên với nhau thành hỗn hợp dạng sệt
- Bước 2: Vệ sinh da mặt sau đó thoa hỗn hợp lên da
- Bước 3: Massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn trong 2 – 3 phút, tập trung vào các vùng đang có mụn đầu đen
- Bước 4: Rửa sạch mặt bằng nước ấm và thực hiện đều đặn 1 – 2 lần/ tuần để thấy rõ kết quả
Lưu ý, nên chọn bột yến mạch nguyên chất, không pha trộn thêm hương liệu hay các chất phụ gia để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể kết hợp bột yến mạch với các nguyên liệu tự nhiên quen thuộc khác như sữa chua, mật ong, chanh… Với những người có da nhạy cảm, hãy thử đắp mặt nạ này lên một vùng da nhỏ trước khi dùng cho toàn bộ gương mặt.
3. Dùng trứng gà
Trứng gà là nguyên liệu “vàng” dành cho những ai thường xuyên tự dưỡng da tại nhà, một trong những tác dụng nổi bật đến từ trứng gà là trị mụn đầu đen. Lòng trắng và lòng đỏ trứng gà đều mang lại những lợi ích riêng cho da.
Nếu bạn muốn se khít lỗ chân lông, làm căng da mặt thì hãy ưu tiên dùng lòng trắng vì chúng chứa nhiều protein giúp tăng độ đàn hồi, giảm chảy xệ hiệu quả. Mặt khác, nếu muốn dùng mặt nạ từ trứng gà để làm mềm da, xóa mờ các vết thâm nám, tàn nhang thì hãy dùng lòng đỏ bởi chúng giàu vitamin và các dưỡng chất giúp nuôi dưỡng da mịn màng, đều màu hơn. Đối với mục đích loại bỏ mụn đầu đen, bạn nên dùng lòng trắng trứng gà.
Cách 1: Dùng lòng trắng trứng nguyên chất
- Bước 1: Đánh bông lòng trắng trứng lên cho đến khi thấy bông cứng
- Bước 2: Thoa lòng trắng trứng lên da, đặc biệt tập trung vào vùng có mụn đầu đen đang cần loại bỏ
- Bước 3: Để mặt nạ này khô tự nhiên trong khoảng 15 – 20 phút
- Bước 4: Cuối cùng, rửa mặt sạch với nước ấm
Cách 2: Kết hợp lòng trắng trứng và mật ong
- Bước 1: Trộn 1 lòng trắng trứng với 1 muỗng mật ong đến khi thu được hỗn hợp sệt mịn
- Bước 2: Thoa đều hỗn hợp lên da mặt
- Bước 3: Thư giãn để dưỡng chất thẩm thấu vào da trong 10 – 15 phút
- Bước 4: Dùng nước ấm rửa sạch mặt
Lưu ý không để hỗn hợp dính vào mắt hoặc miệng.
4. Dùng kem đánh răng
Kem đánh răng được cho là “vị cứu tinh” cho làn da bị mụn đầu đen nếu như bạn không có nhiều thời gian chuẩn bị nhiều nguyên liệu để làm mặt nạ. Nhờ chứa fluoride có khả năng kháng khuẩn và thúc đẩy mụn đầu đen trồi lên, kem đánh răng sẽ giúp bạn loại bỏ mụn một cách dễ dàng.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Dùng tay sạch hoặc tăm bông bôi một lượng kem đánh răng vừa đủ lên khu vực đang có mụn đầu đen
- Bước 2: Massage nhẹ nhàng trong 1 – 2 phút
- Bước 3: Để kem đánh răng khô lại trong 15 – 20 phút
- Bước 4: Rửa sạch mặt với nước ấm
Lưu ý: Chỉ nên thực hiện tối đa 2 lần/ tuần để không làm mỏng da. Hơn nữa, bạn nên chọn loại kem đánh răng có ít chất tạo bọt để tránh làm khô da. Không nên sử dụng kem đánh răng có chứa baking soda vì có thể gây kích ứng da.
5. Loại bỏ mụn bằng vaseline
Thay vì nặn mụn bằng cách truyền thống, bạn có thể loại bỏ mụn đầu đen nhanh chóng mà không gây đau hay tổn thương da bằng cách sử dụng ủ vaseline lên vùng mụn. Đây là phương pháp lấy nhân mụn không để lại sẹo mà bạn nên thử.
Cách thực hiện:
- Bước 1: Rửa mặt bằng nước ấm để kích thích lỗ chân lông giãn nở, thấm khô bằng khăn mềm
- Bước 2: Bôi vaseline lên vùng da bị mụn
- Bước 3: Tiếp theo, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín khu vực này trong khoảng 5 – 10 phút
- Bước 4: Cuối cùng, dùng tăm bông nhẹ nhàng gạt đi lớp vaseline trên da rồi rửa mặt sạch lại với nước ấm
Sau khi ủ vaseline trên da, bạn có thể dùng dụng cụ nặn mụn để lấy nhân mụn dễ dàng hơn. Không nên nặn mụn khi tay chưa được vệ sinh sạch sẽ. Đặc biệt, nếu da đang trong tình trạng viêm nhiễm thì tuyệt đối không nên nặn mụn.
6. Dùng sản phẩm lột mụn
Gel lột mụn là phương pháp hiệu quả giúp loại bỏ mụn đầu đen, mang lại làn da mịn màng chỉ sau một bước đơn giản. Mặc dù các sản phẩm lột mụn này mang lại tác dụng nhanh chóng nhưng lại có thể gây kích ứng với những người có da nhạy cảm quá mức. Bạn cũng cần lưu ý rằng gel lột mụn chỉ có hiệu quả tạm thời, mụn đầu đen vẫn có thể quay trở lại nếu không có những biện pháp phòng ngừa khác.
Có hai loại gel lột mụn chính:
Lột nhẹ: Loại này có bán tự do tại các cửa hàng mỹ phẩm và phù hợp cho da nhạy cảm
Lột mạnh: Loại này chứa nồng độ hóa chất cao hơn và cần được thực hiện bởi bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia chăm sóc da.
Hi vọng với những cách trị mụn đầu đen được gợi ý ở trên, bạn sẽ sớm lấy lại làn da mịn màng, tươi sáng như mong đợi. Theo dõi thêm để cập nhật nhiều phương pháp làm đẹp an toàn và hiệu quả khác.
Miễn trừ trách nhiệm
Các bài viết trên trang vienthammykangjin.vn chỉ có tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn cụ thể.