Nội dung chính
Sẹo mụn hình thành do những nguyên nhân gì?
Sẹo mụn hình thành do tổn thương từ các loại mụn viêm. Mụn viêm xuất hiện khi nang lông hoặc lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu thừa, tế bào da chết và vi khuẩn. Những tổn thương do mụn xảy ra gần bề mặt da thường nhỏ, sau đó sẽ nhanh chóng lành lại.
Đối với các loại mụn bọc có nhiều mủ, viêm nặng, tổn thương sâu, khi có bất kỳ tổn thương nghiêm trọng nào xảy ra, chẳng hạn như việc nặn mụn, phần nhân mụn viêm sẽ lan vào lớp hạ bì, phá hủy các tế bào da.
Để khắc phục những tổn thương ở phần hạ bì, da sẽ sản xuất thêm các sợi collagen mới. Collagen là một loại protein dạng sợi, giúp cung cấp cho da sức mạnh cũng như sự linh hoạt. Tuy nhiên, rất tiếc là quá trình “sửa chữa” này hầu như không bao giờ làm cho da trở nên mịn màng và hoàn hảo như trước.
Mụn đầu trắng, đầu đen và các loại mụn không viêm khác không gây ra sẹo vì chúng không làm tổn thương da. Ngược lại, mụn viêm càng nặng, thời gian phục hồi càng lâu thì nguy cơ để lại sẹo càng cao.
Những loại sẹo do mụn gây nên
Tùy thuộc vào tình trạng mụn và nguyên nhân gây ra sẹo, cơ thể sẽ tạo ra các loại sẹo khác nhau trên da. Dưới đây là những loại sẹo mụn thường gặp:
Sẹo lõm đáy nhọn
Vết sẹo hẹp với đáy hình chữ V, sâu vào da như bị đâm bởi vật sắc nhọn, hình thành do tổn thương ở phần hạ bì, làm đứt gãy cấu trúc collagen và elastin, không thể phục hồi. Kết quả là mô da bị mất đi, gây nên vết lõm. Đây là loại sẹo khó điều trị vì chúng ăn sâu dưới bề mặt da.
Sẹo lõm chân vuông
Vết sẹo rộng với đáy hình chữ U, cạnh sắc nét, có thể nông hoặc sâu. Vết sẹo càng nông thì càng dễ dàng đáp ứng với các phương pháp điều trị tái tạo bề mặt da.
Sẹo lõm chân tròn
Loại sẹo này rộng và nông, trông như những vết lượn sóng, được tạo ra do tổn thương bên dưới bề mặt da. Sẹo này hình thành khi mụn viêm gây tổn thương lớp biểu bì, phá hủy làn da và tạo thành mô sẹo.
Sẹo lồi
Sẹo thường nổi cao lên trên bề mặt da và đôi khi lan rộng ra. Loại sẹo này không giống sẹo lõm. Chúng hình thành do cơ thể sản xuất quá mức collagen để phục hồi vết thương. Sau khi lành, mô sẹo sẽ chồng lên vùng da bị tổn thương.
Sẹo mụn có tự hết không?
Câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại sẹo, tình trạng da và cách chăm sóc da sau mụn. Trong một số trường hợp, các sẹo mụn nhỏ có thể tự giảm dần theo thời gian nếu quá trình tự nhiên của cơ thể làm lành diễn ra hiệu quả và collagen được sản xuất đủ để thay thế mô da bị tổn thương.
Tuy nhiên, với các sẹo mụn sâu, lớn hoặc tổn thương nặng, việc sẹo tự hết là khá khó. Sẹo lõm thường khó khắc phục hơn sẹo lồi, yêu cầu can thiệp chuyên môn từ các phương pháp điều trị hiện đại như laser hoặc micro-needling để làm phẳng bề mặt da.
Ngăn ngừa sẹo mụn bằng cách nào?
Bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn việc sẹo mụn xuất hiện, nhưng các phương pháp dưới đây có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ đối mặt với sẹo sau mụn:
Điều trị mụn ngay khi chúng bắt đầu xuất hiện
Điều quan trọng để tránh sẹo sau mụn là kiểm soát mụn từ khi chúng mới xuất hiện. Bắt đầu điều trị mụn ngay khi phát hiện và hãy thăm bác sĩ nếu tình trạng mụn không cải thiện sau khi sử dụng sản phẩm chăm sóc da tại nhà. Điều này giúp ngăn chặn mụn lan rộng và giảm thiểu nguy cơ chúng phát triển thành mụn nặng hơn. Hãy nhớ rằng phòng tránh mụn cũng có ý nghĩa trong việc ngăn chặn sự hình thành của sẹo.
Giảm viêm
Những đốm mụn lớn, mụn viêm có khả năng gây sẹo sau mụn nhiều hơn so với mụn không viêm và mụn đầu đen. Mục tiêu của bạn là giảm viêm, đồng thời tránh bất kỳ tác động nào gây kích ứng cho làn da. Hạn chế việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc da mạnh hoặc cách làm sạch da quá mức.
Không được nặn mụn
Hãy kiên nhẫn và không bị cuốn vào cảm hứng của việc nặn hoặc chạm vào mụn. Việc này có thể khiến các tạp chất trên da xâm nhập vào lớp hạ bì, lan rộng vi khuẩn đến các vùng da khác và làm tình trạng viêm trở nên trầm trọng hơn. Hãy nhắc nhở bản thân rằng việc nặn mụn có thể kéo dài thời gian điều trị và tăng nguy cơ để lại trên da các vết sẹo vĩnh viễn.
Không bóc vảy
Vảy là một lớp màng tự nhiên của da, bảo vệ vết thương khỏi vi khuẩn và các tác nhân bên ngoài trong quá trình phục hồi. Việc bóc vảy ra khỏi vết thương trước khi lành có thể làm kéo dài quá trình điều trị và tăng nguy cơ để lại sẹo. Đồng thời, khi vết thương tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cũng có thể gây hình thành mảng thâm nám trên da.
Kết luận
Bên trên là các thông tin chi tiết về sẹo mụn và cách ngăn ngừa sẹo mụn một cách hiệu quả. Nếu có thêm bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng để lại thông tin dưới đây để chúng tôi có thể giải đáp sớm .
Miễn trừ trách nhiệm
Các bài viết trên trang vienthammykangjin.vn chỉ có tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia để được tư vấn cụ thể.